Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2008

GỬI NHẬT NGUYỆT

BÀI THƠ VIẾT NGÀY 2-4

GỬI NHẬT NGUYỆT

Sẽ không có một buổi chiều nào nữa
Buổi chiều kia thành kỷ niệm mất rồi
Tiếng chim hót cuối ngày sau cánh cửa
Sông cuối ngày lặng lẽ lục bình trôi.

Ta đã để cái nhìn vô tư nhất
Vào một phương không thể cứ vô tình
Mà chẳng biết đuợc gì hay lại mất
Đang nghĩ gì sao lòng dạ rối tinh?!

Em lặng lẽ đi về như vẫn thế
Ta ra đi lòng bỗng thấy rượi buồn.
Cứ muốn nói một câu mà không thể
Nắng đang chiều, ánh mắt đã hoàng hôn.

Rất có thể, ta không còn gặp lại
Nhưng biết đâu trong cõi rủi may này
Ta biết được một nẻo buồn vụng dại
Và một lần tìm được một bàn tay!

GỬI NHẬT NGUYỆT

BÀI THƠ VIẾT NGÀY 2-4

GỬI NHẬT NGUYỆT

Sẽ không có một buổi chiều nào nữa
Buổi chiều kia thành kỷ niệm mất rồi
Tiếng chim hót cuối ngày sau cánh cửa
Sông cuối ngày lặng lẽ lục bình trôi.

Ta đã để cái nhìn vô tư nhất
Vào một phương không thể cứ vô tình
Mà chẳng biết đuợc gì hay lại mất
Đang nghĩ gì sao lòng dạ rối tinh?!

Em lặng lẽ đi về như vẫn thế
Ta ra đi lòng bỗng thấy rượi buồn.
Cứ muốn nói một câu mà không thể
Nắng đang chiều, ánh mắt đã hoàng hôn.

Rất có thể, ta không còn gặp lại
Nhưng biết đâu trong cõi rủi may này
Ta biết được một nẻo buồn vụng dại
Và một lần tìm được một bàn tay!

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2008

Qua cầu Mỹ Thuận

QUA CẦU MỸ THUẬN


Gửi Nhật Nguyệt

BÀI THƠ VIẾT NGÀY 2-4

GỬI NHẬT NGUYỆT

Sẽ không có một buổi chiều nào nữa
Buổi chiều kia thành kỷ niệm mất rồi
Tiếng chim hót cuối ngày sau cánh cửa
Sông cuối ngày lặng lẽ lục bình trôi.

Ta đã để cái nhìn vô tư nhất
Vào một phương không thể cứ vô tình
Mà chẳng biết đuợc gì hay lại mất
Đang nghĩ gì sao lòng dạ rối tinh?!

Em lặng lẽ đi về như vẫn thế
Ta ra đi lòng bỗng thấy rượi buồn.
Cứ muốn nói một câu mà không thể
Nắng đang chiều, ánh mắt đã hoàng hôn.

Rất có thể, ta không còn gặp lại
Nhưng biết đâu trong cõi rủi may này
Ta biết được một nẻo buồn vụng dại
Và một lần tìm được một bàn tay!

Những người chơi chó - truyện ngắn


NHŨNG NGƯỜI CHƠI CHÓ

Truyện ngắn của HOÀNG ĐÌNH QUANG

Tôi với Phức là bạn! Bạn thật! Sở dĩ tôi cần phải khẳng định như vậy là vì giữa chúng tôi nó biểu hiện rất rõ ra cái mối quan hệ mà không mấy người tin ngay. Bạn gì? Trên đời này thiếu cha gì cái gọi là bạn nhưng chưa chắc, cũng như những người bà con của tôi vẫn hay lửng lơ: nói vậy nhưng không phải vậy! Nhiều khi, và thường khi Phức gây cho tôi những vụ rất khó chịu, có khi là tai tiếng giống như hắn ta là món nợ kiếp này của tôi, chỉ muốn vứt quách đi cho xong, nhưng không thể được, và tôi phải chịu sự tra tấn của hắn. Nhiều người, trong đó có cả sếp tôi lẫn vợ tôi đều phải nhăn mặt, lắc đầu: làm sao mà ông chịu đựng được cái thằng cha bửa chơi như thế nhỉ? Ngược lại, Phức ta cũng phải gánh chịu tôi, gánh chịu cái tính nết tôi mà theo lời hắn ta là "thối như giày lính". Giày lính thì chỉ có thể so sánh với cóc chết mà thôi. Hóa ra tính nết tôi nó như vậy thật à? Chứ còn gì nữa. Gan cho ra gan, nhát cho ra nhát, đằng này cứ lừng khừng, khóc chả có nước mắt, cười không ra hơi, xin không ra xin, mượn không ra mượn, ăn cắp cũng chẳng ra ăn cắp! Định nghĩa tôi như thế (có lẽ không sai, nhưng là do sau này "hoàn cảnh" làm ra tôi như vậy chứ hồi trước, hay nói đúng hơn bản chất tôi chưa chắc đã như vậy, chuyện này rồi tôi sẽ thuật lại sau) mà hắn vẫn còn chơi được với tôi thì chẳng là bạn thì là gì? Cuối cùng và tóm lại, dứt khoát hắn là bạn tôi, tôi là bạn Phức, y như thể năm cộng năm là mười!

Dĩ nhiên tình bạn này không thể ngẫu nhiên mà có. Hai mươi năm trước chúng tôi cùng may mắn sống sót để rồi gặp nhau ở trại ôn thi đại học quân đoàn. Ngày ấy, sau chiến tranh chúng tôi được tập trung lại để ôn luyện thi vào trường đại học trở thành những trí thức, những nhà khoa học hòng góp công xây dựng đất nước. Thế quái nào tôi và Phức lại cùng thích văn chương, thơ phú và cùng nhau thi vào trường Đại học tổng hợp. Cả hai cùng đậu, cùng học một lớp ngữ văn, cùng ra trường và lại cùng nhau về tỉnh này làm công tác biên tập ở nhà xuất bản của tỉnh. Hai anh chàng "học trò già, cán bộ non" thức thâu đêm suốt sáng để tranh luận về lý thuyết nhân văn. Tranh luận chán rồi nửa nằm nửa quỳ để... làm thơ. Làm thơ xong lại tự đọc cho nhau nghe, tự khen lấy khen để, nhưng gửi đi thì chẳng bao giờ được đăng. Thỉnh thoảng lại có tên trong mục "nhắn tin" của báo. Phức ta bèn cắt lấy tên của mình trong cái mục đó lồng vào trong cái cán bút bi trong suốt. Nhìn thấy hai chữ Xuân Phức (Tên khai sinh của hắn là Lê Văn Phức, nhưng hắn noi gương thi sĩ Xuân Diệu mà đặt ra bút danh như vậy) bằng chữ in hẳn hoi, lại được phóng đại lên tí chút sau lần nhựa PP, cũng có người gật gù, có lẽ là thán phục. Như thế đã đủ để chúng tôi thành đôi bạn tri kỉ chưa? Có lẽ được rồi đấy, nhưng nếu chỉ có thế thì chưa thể khẳng định được hai chữ "đôi bạn" cho thật chắc chắn. Phải đợi có những biến cố mà trong lý luận văn học gọi là "hoàn cảnh điển hình" cái đã. Ngày ấy đã đến!

Mở đầu bằng việc tôi có nhân tình, tức bồ. Người yêu tôi làm kế toán của công ty Bảo vệ thực vật, một công ty quốc doanh, trong kho có cơ man nào là phân bón, thuốc trừ sâu và hình như còn có cả xăng dầu, cào cuốc nữa. Từ khi có bồ, tôi không còn nhiều dịp đàm đạo với Xuân Phức nữa, nhưng công việc biên tập, làm thơ thì vẫn âm thầm. Một hôm Phức nhìn tôi một chặp rồi nói bằng một giọng hiểu đời:

-Này Hữu Tộ (tên và bút danh của tôi), tử vi của cậu đã có "Thái dương chính Ngọ" lại còn có thêm "Thân cư cung thê", chắc hẳn là nhàn hạ sung sướng, có người nâng đỡ và sống dựa vào vợ. Cậu nên cưới ngay con Bê (tên bồ tôi) đi!

Tôi là người đang yêu nhưng cũng cảm thấy có cái gì xỏ xiên trong câu nói của Phức. Nhưng cũng là vì đang yêu nên tôi thấy hắn nói có lý. Mà chả cần Phức nói thì tôi và Bê cũng đã thề non hiẹn biển rồi. "Chỉ có cái chết mới chia lìa đôi lứa", tôi nhớ hồi đó ở rạp đang chiếu bộ phim có tên như thế. Năm sau tôi cưới vợ và rời cái khu tập thể của nhà xuất bản. Bây giờ nói về vợ tôi, nàng là cháu gọi ông Chủ tịch bằng cậu ruột, thành ra tôi lập tức được ông chủ tịch hồi bấy giờ liệt vào hàng "con cháu trong nhà". Một năm sau, tôi bỏ nghề "biên tập diệt đồn", chuyển sang công ty Bảo vệ thực vật. Lúc đầu, tôi cũng thấy tiếc. Nhưng vợ tôi bảo:

-Thực ra em mê anh vì tưởng anh là thiên tài thiên bẩm, nhưng rồi em nghĩ mãi cái sự cắm cúi của anh chẳng đi đến đâu. Nghề nào thì nói cần cù bù thông minh được chứ nghề văn chương của các anh hình như không phải thế. Anh chọn sai đường, chẳng những "em không chịu nổi", mà rồi nay mai con cái cũng khổ lây...

Sang cơ quan mới, tôi được làm cán bộ nhân sự, chuyên theo dõi lý lịch, soi mói mọi hành vi cũ mới của đội ngũ cán bộ công nhân viên. Ít lâu sau căn cứ vào bằng cấp, và thành tựu sáng tác văn học của tôi, người ta bố trí tiếp tôi kiêm nhiệm cán bộ thi đua. Thành ra tôi chuyên chú biên tập và nhiều lần phải viết hoàn chỉnh những bản báo cáo thành tích cho khá nhiều chiến sĩ thi đua trong cơ quan. Nói nhỏ thôi nhé, trong công việc này tôi vận dụng năng khiếu sáng tác của mình một cách rất thiết thực! Với sự mẫn cán của tôi, với tài văn chương của tôi, tôi được đề bạt làm phó phòng, rồi trưởng phòng tổ chức cán bộ. Nhiều lúc tôi nghĩ lại mà thấy chóng mặt, hay là "thái dương chính ngọ" như Xuân Phức nói thật sao? Đến đây tôi chính thức đoạn tuyệt với văn chương, không phải chỉ do lời khuyên của vợ, mà chính tôi cũng nhận ra nó quá vất vả, lại phập phõm, phù phiếm và vô nghĩa thế nào ấy. (Xin lỗi các nhà văn đang sống bằng ngòi bút!). Bây giờ, tôi đàng hoàng là người có chức, trưởng phòng hẳn hoi, thuộc ngạch công chức. Công việc làm theo thời gian, chưa xong đến mai làm tiếp. Mọi cái đều có luật, có pháp lệnh. Ngạch công chức chúng tôi thời nào cũng ung dung, vừa mới rồi được giảm ngày làm, nghe đâu lại sắp được tăng lương... Còn gì bằng? Chỉ buồn cười có lần con tôi hỏi nghề nghiệp của tôi để nó ghi vào lý lịch, tôi bảo nghề "cán bộ", nó cứ tròn mắt ra mà nhìn: cán bộ cũng là một nghề hả ba?

Thế còn Xuân Phức thì sao? Mỗi lần gặp nhau Phức vẫn ân cần hỏi thăm đời sống riêng tư của tôi và luôn miệng chúc tôi hạnh phúc. Công bằng mà xét Phức có tài hơn tôi, tôi chỉ bằng non nửa hắn. Bằng cớ là suốt trong quá trình gần sáu năm sáng tạo tôi chỉ được đăng tổng cộng có hai bài thơ, một ở tờ báo đoàn thể trên thành phố Hồ Chí Minh, và một ở tờ báo văn nghệ tỉnh. Riêng Xuân Phức được đăng năm bài, trong đó có một bài trên báo Văn Nghệ của Hội nhà văn Việt Nam. Sau khi tôi có vợ ít lâu, Phức cũng cưới vợ. Vợ hắn là Mai Liễu, một nhà báo tỉnh. Theo nhiều người nói Mai Liễu tuy viết lách vào loại loàng xoàng nhưng rất tháo vát. Mấy năm sau này khi báo chí phát triển, Mai Liễu rất có tài "lấy" quảng cáo. Tiền hoa hồng của cô ấy không những đủ nuôi chồng mà còn sắm sanh được cả xe Dream, làm nhà. Nói chung về kinh tế Mai Liễu lo tất tật, nhưng cô ta vẫn rất ngưỡng mộ và tận tụy đối với chồng.

Thế là Xuân Phức vẫn ung dung ở lại nhà xuất bản và cắm cúi làm thơ. Hắn làm thơ cực nhiều, nhưng không xuất bản thành tập được, vì hình như biên tập viên văn học chê sao đó, cho dù Mai Liễu có tuyên bố: em dư sức lo cho anh Phức nhà em xuất bản hai tập thơ! Phức đau lắm, nhưng càng làm thơ càng bí, bài nào cũng giống bài nào và giông giống ai đó. Thơ tình, thơ về mẹ, mất mát, đau thương, thời sự, chính trị... đề tài nào hắn cũng thể nghiệm cả, hội nghị nào, câu lạc bộ nào cũng đem ra đọc thông thống, nhưng không mấy ai nhớ. Vào lúc hắn sắp nản chí bỏ cuộc (là tôi đoán thế) thì vận may đến với hắn. Trong cái cơ may của Phức, có một phần đóng góp của tôi, đúng hơn là vợ chồng tôi.

Dịp ấy, cơ quan văn hóa thông tin phát động sáng tác thơ theo đề tài "Động viên thanh niên vươn lên lập nghiệp", Phức ta thức trắng đêm viết xong một bài thơ khá dài. Không ngờ bài thơ lọt vào chung kết, và được giải khuyến khích. Vì cuộc thi không có giải nhất, nhì, ba, nên coi như giải nhất! Hôm phát giải, hắn lên đọc rất hùng hồn, trong đó có đoạn:

...

Kìa đất nước đang dang tay rộng mở

Xông lên đi, còn chờ đợi gì em?

Hãy thắp sáng những bông hoa triệu phú

Không quản ngày và cũng chẳng kể đêm!

Đây đất, đây rừng, đây đầm hoang, cỏ dại

Đây ngã ba sông, đây ngã tư đường...

Thiếu vốn chớ nề, không tiền đừng ngại

Vì quanh em có bát ngát tình thương!

...

Nào ngờ, bài thơ lọt vào mắt xanh của ông Chủ tịch. Khi lên phát biểu huấn thị cho ngành văn hóa ông đã chúc mừng tác giả bài "Xông lên đi" của nhà thơ Xuân Phức, và kết luận:

-Tuổi trẻ hôm nay cần phải lao vào gian khó, xông lên làm giàu. Trẻ có giàu thì già mới yên tâm, dân có giàu thì tỉnh mới vững mạnh. Tôi là nhà chính trị, không hiểu mấy về thơ ca, nhưng bài thơ vừa rồi làm cho tôi thật xúc động, rất háo hức muốn lao ngay vào làm ăn. Tôi đoán chắc tác giả phải là người có bản lĩnh, thấu triệt đường lối. Tôi mong tỉnh ta có nhiều nhà thơ như thế...

Sau tiếng vỗ tay rào rào, ông giám đốc sở văn hoá hướng dẫn ông chủ tịch đến bắt tay Xuân Phức, rồi lại còn ôm hôn nữa. Phức ta cứ đờ đẫn cả người vì sung sướng. Ngồi bên cạnh Xuân Phức, tôi đứng lên nói với ông Chủ tịch:

-Anh Ba! Xuân Phức là bạn em, tốt nghiệp đại học tổng hợp chính quy khóa Một, là nhà thơ có tác phẩm đăng trên các báo chí trung ương và địa phương!

Nhận ra tôi, ông Chủ tịch tươi cười:

- Vậy hả, dượng Sáu! Trời ơi, hóa ra người nhà với nhau cả! Bữa nào ghé nhà chơi nghe! Tôi khoái thơ lắm đó. Này, nhà thơ - Ông quay sang nói với Xuân Phức - Bữa nào nói Sáu Tộ dẫn tới nhà tôi, mình bàn chuyện thơ nghe chơi. Hồi đi học tôi học văn giỏi lắm nghe!

Sau đó là liên hoan, có bia bọt tưng bừng. Tôi và Xuân Phức mỗi người ngồi một bên ông hủ tịch, khiến cho giám đốc sở, kiêm trưởng ban tổ chức cuộc thi thơ phải dạt sang một bên. Tôi quên chưa kể, ông chủ tịch hiện nay gọi ông chủ tịch hồi đó là chú ruột. Xét theo mối quan hệ họ hàng, ông ta là anh vợ tôi, còn tôi là em rể. Đã mấy lần vào dịp giỗ tết, chúng tôi đã gặp nhau, quả tình ông ta cũng tốt nết, là người có phong thái quần chúng, dễ gần gũi. Hơn nữa ông ta lại có trí nhớ rất tốt, gặp ai chỉ một lần, đến hai ba năm sau ông vẫn nhớ tên.

***

Tất nhiên tôi nhận lãnh nhiệm vụ đưa Xuân Phức đến thăm nhà anh Ba chủ tịch. Nhưng trước tiên phải gọi điện thoại báo trước. Tưởng tình hình sẽ phức tạp, nào ngờ vừa nghe tiếng tôi anh Ba đã hồ hởi:

-Sáu Tộ hả? Trời ơi sao lại không được! Hai ông lại đây liền đi. Rồi, để tôi biểu bã xã nướng mấy con khô mực, làm vài lon bia, anh em mình lai rai chơi! Lẹ lẹ nghe, tôi chờ đó...

Hai đứa tôi rón rén nhấn chuông, đích thân anh Ba ra mở cổng, rồi đưa chúng tôi vào phòng khách. Tôi tháo dép, còn Phức loay hoay rất lâu mới cởi được đôi giày mõm nhọn màu nâu đánh si đen trông rất cải mả, hắn còn tháo cả bít tất ra nhét vào ruột giày, lòi ra một nùi bết đất. Sau khi phân ngôi chủ khách, anh Ba chủ tịch bá vai Xuân Phức:

-Sao? Dạo này viết được nhiều không? Đọc nghe chơi!

Cũng đích thân chị Ba bưng một cái khay sơn mài có mấy lon bia lạnh lấm tấm mồ hôi, và một đĩa mực khô ra đon đả:

- Mời các chú... Nhận ra tôi, chị Ba xởi lởi. Trời đất ơi! Tưởng ai hoá ra chú Sáu, vậy mà ổng khoe với tôi là tiếp các văn nghệ sĩ...

Anh Ba cười nhìn vợ:

-Má bây không hiểu gì sao? Sáu Tộ nhà mình với Xuân... (anh Ba ngập ngừng, tôi phải đỡ "Phức"), Xuân Phức, là bạn đồng môn. Xuân Phức là nhà thơ có hạng của tỉnh nhà, đồng thời có tên tuổi cả nước. Chớ không văn nghệ sĩ là gì? Rồi anh quay sang nói riêng với Xuân Phức. Nói thiệt nghe, mấy lần mình họp với anh em văn nghệ, nhưng với tư cách nhà lãnh đạo, ăn nói nó có chừng mực. Bữa nay có anh em mình cứ nói cho thoải mái. Mấy anh nhà thơ là mạnh mồm, ác khẩu lắm phải không...

Xuân Phức cứ ngồi ngây ra:

-Dạ, cám ơn anh Ba. Quả đúng là bấy lâu anh em chúng em không hiểu anh Ba và các anh bên ủy ban, cứ nghĩ thế nọ thế kia. Nào ngờ anh Ba rất đáng qúy. Có người lãnh đạo thông cảm và qúy mến, anh em chúng em thật hạnh phúc... Nhưng xin anh đừng hiểu sai bọn em. Mạnh mồm, ác khẩu vậy thôi, chứ tâm can, lòng dạ bọn em trong sáng lắm...

-À, nói chơi vậy thôi, đừng tự ái nghen! Cánh lãnh đạo chính trị chúng mình chả tin các cậu thì tin ai. Có những cái tuyên huấn lên lớp cả năm không bằng một bài thơ, một bản nhạc hay tranh cổ động của các ông. Phải không nào?

-Dà! Xuân Phức luôn miệng dạ, nghe chừng rất xúc động.

Trong lúc hai người nắm tay nhau, chuyện vãn, tôi lần lượt bật nắp mấy lon bia, rót ra ly đặt trước mặt hai vị:

-Thôi nào, uống đi hãy nói. Anh Ba, em hôm nay là chủ, không phải khách văn nghệ của anh, cho em xin mời nhà thơ của chúng ta. Hết đi, Phức, trăm phần trăm hả anh Ba?...

Chuyện được một hồi, đột nhiên Xuân Phức giật thót người, suýt đánh rơi ly bia trên tay. Hóa ra một con chó cảnh lông trắng xám phóng lên đớp miếng mực khô trên tay hắn. Chả là hắn vừa nói vừa dứ dứ, lấy nhịp, con chó tưởng là đùa với nó. Anh ba cũng phát hiện ra chuyện đó, vội quát con chó:

-Misa! Hư quá...

Tuy quát thế nhưng nghe giọng anh, tôi biết là anh Ba quý con chó lắm. Phức ta cũng hiểu vậy, vội bỏ ly bia xuống bàn, một tay bế con chó, tay kia đút miếng mực khô vào miệng Misa. Con chó cảnh khôn ngoan cứ nằm trên bọc Phức mà nhai, xầu cả bọt mép ra áo, nhưng hắn cứ tỉnh khô:

-Anh Ba có con chó khôn quá! Lại sạch sẽ nữa, đúng là người biết chơi chó cảnh...

Anh Ba cười tươi:

-Phải dạy nó nhiều lắm đấy. Con chó này là của thằng bạn ở Bộ Điện lực trên thành phố đem xuống cho. Nó cũng được một tay chuyên gia người Nhật tặng. Giống này khôn lắm, có nuôi nó mới biết. Mình đi đâu về là nó ào vô mừng. Nhiều lúc mệt mỏi, có nó thư giãn cũng đỡ...

-Đúng! Phức hào hứng tiếp lời. Có nuôi chó, đúng hơn là chơi chó mới biết quý chúng. Có quý nó, nó mới quý mình. Nó mà đã quý mình rồi thì bảo gì nó cũng nghe...

-Tôi bận nhiều việc quá có chăm sóc nó được chu đáo đâu, tất cả giao cho thằng nhỏ và bà xã. Ay thế mà nó cũng biết mình là chủ nhà đấy nhé. Nghe tiếng xe máy từ xa là nó đã nhảy lên rồi. Lại còn có tình cảm nữa chứ! Hôm thằng nhỏ con tôi đá nó một cái mà nó giận mấy ngày...

Tôi chẳng có chuyện gì để nói, nên ngắm con chó cũng thấy thích. Nhìn kỹ con chó Nhật Bản này có gương mặt của một đạo sĩ già. Với hai hàng lông mày trắng và dài phủ xuống gần như kín hai con mắt ti hí, nheo nheo, khiến nó mỗi lần ngẩng lên nhìn cứ phải lắc mạnh cái đầu, làm rung cả bộ lông xoăn tít, đúng như phong thái của một nhà hiền triết. Một con chó quý như thế nghe đâu giá những vài trăm đô, là chưa kể tiền thức ăn cho nó, mỗi ngày cũng tốn cả chục ngàn đồng.

Anh Ba tiếp:

-Xuân Phức cũng nuôi chó kiểng à?

-Không, anh Ba! Em có nuôi nhưng nuôi con chó ta. Xuân Phức cười rất láu, nó vừa cầu tài, lại vừa xo xỏ. Em thì thực dụng thôi anh Ba ơi! Giống này ngu, nhưng được cái dễ nuôi, dễ cho ăn. Với lại nó dữ lắm, bọn trẻ trong xóm klhông đứa nào dám hó hé. Em nuôi nó là tình cờ thôi. Bữa có đôi giày để cửa, không biết bọn lượm ve chai hay trẻ trong xóm nó lấy mất. Bực quá, em về Xuyên Mộc xin con chó. Thế mà an ninh trông thấy...

Từ đây câu chuyện của hai người đang từ thơ phú, văn chương chuyển hẳn sang chuyện nuôi chó. Nào ngờ, cả hai lại hạp nhau thế, dứt không ra. Tôi cứ phải mời mấy lần. Anh Ba uống một hơi "năm mươi phần trăm", đặt ly xuống nhìn Phức rồi lại nhìn tôi, cười nheo nheo:

-Này, hai ông có biết ở bên Mỹ người ta phân biệt đối xử thế nào không? Quý nhất là trẻ con, thứ nhì là phụ nữ, thứ ba là... chó, rồi thứ tư mới tới nam giới. Bọn đàn ông chúng mình còn thua cả con chó này đó nha...

Anh Ba cười ha ha và nhà thơ Xuân Phức cười hơ hơ, tôi cũng cười hì hì họa theo! Cuộc nhậu quá vui! Con chó Nhật phóng xuống sàn nhà, sủa mấy tiếng lách nhách, chả tương xứng với phong thái uyên thâm của nó chút nào. Con Misa lơ đãng một lúc rồi chạy đến ngửi ngửi đôi giày của Xuân Phức rồi nó lôi cả hai chiếc bít tất của nhà thơ ra vườn, mà không ai biết.

Nhà Phức ở trong ngõ xóm rất phức tạp, thỉnh thoảng vẫn hay bị mất cắp vặt. Có lần là dân lượm ve chai, bán vé số, có khi là trẻ con hàng xóm nó nghịch. Một lần thằng bé con nhà kế bên thấy cái gốc cây "nghệ thuật" của nhà thơ quét dầu bóng phơi trước cửa, nó thấy hay hay đem về nhà chơi rồi chặt phá mất. Về nhà Phức thấy mất "tác phẩm" của mình, hỏi dò, biết thằng bé nhà bên lấy, hắn sang nói với bố mẹ nó. Nào ngờ, ông bố mắng xơi xơi, còn dọa đấm, dọa đá, làm Phức vừa tức, vừa sợ. Nghĩ mãi không ra cách nào, sau có người khuyên nuôi một con chó, xích ở ngay cửa. Thế mà hiệu nghiệm. Lại tiện nữa, mỗi lần tôi đến chơi, con chó sủa nhặng lên, thế là chẳng phải gọi cổng. Con chó nhà Phức có cái tên thoạt nghe như Tây, nhưng lại là tên ta: Đixin! Hắn bảo: thì đi xin được về thì đặt ngay cho nó cái tên như vậy vừa có ý nghĩa, lại vừa thuận tai, dễ gọi. Con chó mõm đen có mấy sợi lông cứng luôn nhấp nháy và cái mũi lúc nào cũng ươn ướt. Loài này là rất thính mũi, Phức bảo thế! Đặc biệt nó có bộ ức nở và cái đuôi bông dựng ngược màu lửa. Giống này lai loài sói! Lần nào tôi đến con Đixin cũng cất lên hai tiếng sủa, với hai cung bậc khác nhau, nghe không dữ lắm, như thể là một lời chào bè bạn và cũng là lới báo tin cho chủ. Tôi đi qua trước mõm nó, Đixin chỉ khẽ ngửi vào ông quần tôi một cách chiếu lệ rồi lui lại, ngồi im rất lãnh đạm, có phần trịch thượng.

Tưởng Phức chỉ "chơi" chó nghiệp dư thôi nào ngờ cả kiến thức lẫn quan điểm của hắn lại phong phú và mạch lạc đến thế, khiến ông anh họ của tôi nghe mà thấy nể! Sau lần gặp ấy, Phức trở thành bạn của anh Ba tôi. Có thể ông chủ tịch quý tài thơ hắn, vả lại hai người cùng có chung sở thích: chơi chó!

***

Phần cuối của câu chuyện này là một sự cố, một sự cố buồn trong một thảm hoạ thương tâm. Trận lụt kinh hoàng hồi đầu tháng mười một của năm cuối thế kỷ trước đã ấp xuống quê hương tôi như một trận đại hồng thủy. Tất cả mọi nhà, mọi người, từ dân thường đến quan chức, từ chính khách cho tới nhà thơ... đều ngập trong dòng lũ xiết, chỉ trừ những người có nhà lầu. Chính thế nhà chúng tôi trên lầu của khu tập thể vốn không trồng được cây, nuôi được chó, không có cử hiệu mặt tiền buôn bán... thì nước lụt không với tới được mà chỉ mấp mé. Chúng tôi được đặc cách ngoại lệ và mở rộng lòng đón những người bị lũ dìm ngập cửa nhà vào tá túc trong nhà mình. Giúp nhau cái ăn, cái mặc, chỗ ngả mình... trong lúc này không chỉ là trách nhiệm công dân mà còn là tiếng gọi của lương tâm. Mờ sáng khi cơn lũ đang ào ạt tràn về thì có tiếng gọi tên tôi thất thanh. Xuân Phức! Tôi lao xuống lòng đường ngập nưóc ôm lấy một bọc đồ lỉnh kỉnh trên tay Phức rồi đưa vợ và con gái bạn vào nhà mình, trong lúc trong nhà đã có hai gia đình ở tầng dưới dọn lên. Từ ban công nhà tôi, Phức đau đáu con mắt viễn thị nhìn về phía ngôi nhà mình khuất sau rặng cây và đang chìm dần trong dòng nước cuồn cuộn. Vợ tôi hối hả lo chỗ nằm, cái ăn uống cho gần hai mươi con người trong căn hộ đang rung rinh giữa bể nước. Những người đàn bà ôm con sụt sịt vì tiếc của. Cánh đàn ông ốm yếu chúng tôi đang ngồi co ro trên ban công, nhìn mưa, bỗng Phức đứng bật dậy:

-Đixin!

-Cái gì? Một người đàn ông ngẩng lên. Xin cái gì? Xin ai?

Không trả lời người bạn, Phức ngồi phịch xuống cái ghế đẩu cập kễnh, nhìn tôi đau đớn:

-Hữu Tộ ơi! Con Đixin của tôi...

Tôi hiểu ra, chợt phì cười trước bộ mặt vốn đã thất sắc nay lại ngấm nước mưa tái ngắt của Phức:

-Tưởng gì! Con chó nào chả biết bơi! Chỉ sợ nó bị nước cuốn...

-Không! Xuân Phức ôm đầu đau đớn. Nhưng nó bị xích! Nó bị xích mà đoạn xích lại quá ngắn...

Nhìn vẻ đau khổ chân thật của bạn, tôi cũng thấy ái ngại, an ủi Phức:

-Thôi nào! Nhà cửa, của cải còn chả làm gì được nữa là con chó. Xong đận này, mình với cậu đi Xuyên Mộc, thế nào chả tìm được con khác!

Phức im lặng, ngồi ôm đầu. Mãi quá trưa, may mới có một chiếc thuyền nhỏ ghé vào "đảo" chúng tôi, Phức năn nỉ người chủ cho mượn nói là chạy về qua thăm nhà. Tôi không biết làm gì đành ngồi chờ Phức về. Mãi xẩm tối Phức quay về mặt mày ủ rũ, báo tin:

-Đixin đã giật đứt xích. Sợi dây xích bằng sắt rất chắc, vậy mà không hiểu sao nó giật được.

-Thế nó đâu rồi? Tôi vui mừng hỏi hăm hở.

-Mình tìm khắp các mái nhà, ngọn cây quanh đó nhưng không thấy, có lẽ nước cuốn đi mất rồi. Thế cũng may, có thể hy vọng nó còn sống. Nếu nó bị sợi xích dìm chết, chắc là đau đớn lắm...

Thế rồi nước rút, mọi người quay lạy nhà mình, với bao nhiêu bộn bề công việc phải dọn dẹp, sửa sang. Gần một tuần sau, Phức rủ tôi tới thăm nhà anh Ba chủ tịch. Gặp anh đang ngồi lặng lẽ trong phòng khách, vẻ mệt mỏi rã rời. Xuân Phức hỏi thăm tình hình công tác của anh, được một lúc hắn bất ngờ hỏi:

-Anh Ba! Con Misa đâu rồi?

Ông chủ tịch lắc đầu nhè nhẹ, rồi chậm rãi kể. Nhà anh tuy là biệt thự, nhưng chỉ có một lầu. May mà có cái gác nhỏ, nên cả gia đình trú tạm trên đó. Có điều nhà anh Ba ở một chỗ đất cao, nên chỉ bị ngập khoảng hơn một mét nước. Anh Ba thì do cương vị công tác nên phải lăn lộn với bà con, hết huyện nọ sang huyện kia. Hai hôm sau anh mới về nhà thăm vộ con. Tất cả nhét lên cái gác nhỏ, cả nấu nướng, ăn ngủ. Tới chừng nhớ ra con chó, cả nhà không ai biết nó ở đâu. Ai cũng nghĩ là nước cuốn trôi mất rồi. Chẳng ngờ, khi anh ba vừa cất tiếng gọi:

-Misa!

Từ trên mặt chiếc tủ thờ, nơi có bát nhang và hình ảnh ông bà và ba má anh, tiếng con Misa sủa liền ba tiếng. Anh Ba bì bõm lội xuống, nhìn lên thấy "nhà hiền triết" đang khoanh tròn trên bàn thờ. Nhìn cảnh ấy anh đã thấy giận. Giận người nhà không trông nom, để con chó leo lên bàn thờ ông bà tổ tiên. Giận cả con Misa, thiếu gì chỗ nấp, lại leo lên chốn linh thiêng này? Anh tóm lấy sợi vòng cổ, định kéo nó xuống, bỗng anh đụng phải... Mấy ngày con chó Nhật không có gì ăn, nó vẫn chịu đựng được, nhưng cái khoản... dị hóa thì nó đành phải thua. Một đống phân chó lổn nhổn trên mặt bàn thờ, Lúc này thì anh Ba không kìm được giận dữ. Anh tóm cổ con chó quăng mạnh ra cửa. Chẳng may, cái đầu nhỏ bé của nó đập vào bức tường xi măng. Nó kêu lên một tiếng ai oán. Con Misa rơi tõm xuống nước rồi bị cuốn theo dòng nước lũ đang chảy xiết... Kể xong, ông chủ tịch ngồi thừ ra, không biết ông buồn hay vẫn chưa hết giận con chó tai quái.

Từ nhà anh Ba, chúng tôi về nhà Phức, thì thật kinh ngạc: con Đixin gầy gò xiêu vẹo, thè cái lưỡi dài xám ngoét của nó ra mà thở thoi thóp, đang nằm trước cửa nhà. Cái đuôi bông màu lửa của loài sói giờ chỉ còn là một mẩu thịt teo tóp, đang ngoe nguẩy chào chủ một cách yếu ớt. Phức lao tới, quỳ xuống, hai tay nâng Đixin lên ngang mày. Bốn con mắt dài dại nhìn nhau, ngấn nước!

Tháng 1-2000

H.Đ.Q.


MỘT NGƯỜI CHƠI CHÓ

Truyện ngắn của HOÀNG ĐÌNH QUANG

Ông Sáu Tính đã thức giấc, thức từ lâu rồi, tầm ba giờ sáng thì phải, nhưng ông không muốn dậy. Dậy sớm là cái bệnh của người già, nhưng là người già bình thường, thậm chí tầm thường, chứ còn ông, ông dậy mà làm gì, mà khua khoắng, dạy dỗ ai? Ông trở mình và nghĩ, nghĩ ngợi cũng là một cái bệnh của người già. Người già thường nghĩ về những cái đã qua, những phen hú vía, những mẻ tiếc rẻ và cả những lần hồi hộp, vì cho đến gần trọn cuộc đời, người ta cũng chưa biết được, cái vụ việc ấy, cái con người ấy... sẽ kết thúc ra sao, nếu như...? Nếu như..., giá như... giá như ta đừng, hay giá như ta cứ...

Có tiếng cào cửa của A Còng, tiếng cào nhè nhẹ, mơn man nhưng dai dẳng, thỉnh thoảng mới nghe tiếng rít nhẹ của một kẻ yêu chủ thái quá. Ông Sáu quay mặt trở ra, định ngồi dậy, nhưng chưa đành, vì ông chưa nghe tiếng của Thượng Thư. Thượng Thư bao giờ cũng đúng mực, đúng giờ. Khi Thượng Thư chưa lên tiếng, có nghĩa là chưa đến năm giờ, cái phẩm chất ấy khiến ông Sáu nể phục Thượng Thư, dù nó chỉ là một con chó, nhưng là con chó tốt. Thế rồi, Thượng Thư cũng lên tiếng. Tiếng đầu tiên nó sủa để thị uy, dọa nạt A Còng rằng đừng quấy rầy ông chủ. Tiếng thứ hai vang hơn, sắc hơn, và quảng đại hơn, là dùng để báo thức bọn cùng loài, đang nằm rải rác đây đó, đang ngủ mê mệt, hãy thức dậy, đến giờ phải dậy rồi, phải làm việc và phải ăn rồi. Tiếng thứ ba trầm hơn, có vẻ khẽ khàng hơn, nó hướng cái mõm đen nhẫy, đầy lông lá vào gần cửa phòng, nín hơi rồi mới sủa, một tiếng êm ái, đó là tiếng nói đánh thức ông Sáu:

Ông chủ ơi, dậy thôi....

Năm giờ sáng, bên ngoài trời con tối thẫm, thỉnh thoảng có những chiếc xe máy chạy như bán mạng, gầm rú, làm rung rinh cả ánh đèn đường đang ngái ngủ. Trong sân, dưới ánh đèn mờ màu sữa đục, A Còng rối rít nhảy trước mặt ông. Thợ Hồ ngồi dậy rồi, nhưng vẫn còn ngái ngủ, nó hết nhìn ông chủ, lại ngó Thượng Thư và A Còng rồi thong thả rửa mặt, thản nhiên. Ông Sáu đưa mắt nhìn ra phía góc sân đầy những tàu lá chuối khô chưa cắt, treo loạt xoạt trong gió sớm, Hoa Đỏ và Mic đang vờn nhau, thỉnh thoảng Mic-17 lại bị Hoa Đỏ ngoạm cho một miếng vào cẳng chân, nó nhảy lùi ra xa, lắc đầu, thế thủ. Chỉ có Thái Giám là vắng mặt, chắc anh ta đang buồn vì thân phận, nhưng cũng có lẽ khác, nó lười nhác. Đã đành, một con chó thiến thì chăm chỉ, xăng xái làm gì, lấy lòng ai, khi mà miếng ăn nó cũng chả thiết.

Như thường lệ, ông Sáu cúi xuống bế A Còng còng lên vuốt ve bộ lông trắng phau của nó, khiến Thượng Thư đang đứng bên cạnh phải vẫy đuôi, phát ghen. Còn Thợ Hồ ngưng công việc rửa mặt, nhìn bằng cặp mắt ánh lân tinh, đầy vẻ khinh bỉ. Ông chủ biết, nhưng ông không nói gì. Thợ Hồ là một thằng lưu manh, ông nghĩ!

Trong bầy cẩu quan của mình, ông Sáu tỏ ra cưng chiều, quý mến nhất là A Còng! Ông quý nó bởi không chỉ nó là con chó ngoại, đắt tiền, mà nó còn là hình ảnh luôn gợi lại cho ông một thời oanh liệt, cái thời mà cho dù thế nào đi nữa, ông cũng không quên, nếu được làm lại cuộc đời, ông cũng sẵn sàng lặp lại y như thể Máy Trời đã "lập trình" sẵn để dành cho ông.

Làm quan sớm, lúc mới hai muơi hai tuổi ông đã là một cán bộ cấp huyện, đứng mũi chịu sào trước cả vạn dân, lo ăn, lo ở cho họ. Ông không phải là quan ăn lộc vạn hộ, nhưng ông luôn được hàng nghìn con mắt nhìn vào, đầy kính phục. Chỉ có một người, đó là thân phụ của ông, vốn là một người nho học, có đọc ít sách cổ thì nhìn con, tỏ vẻ ái ngại: "Thiếu niên đăng khoa, tưởng rằng hay, nhưng sẽ là một mối bất hạnh. Con hãy liệu đường mà toan tính?". Quả nhiên, mười năm sau, ông vẫn ì ạch ở chức ấy, và dã đến lúc người ta không cần ông ở chức vị ấy nữa, ông bị đẩy sang làm một chức lại nhỏ ở tỉnh, rồi hai mươi năm sau cùng của cuộc đời, ông chịu làm phó cho tám đời giám đốc khác của chỉ một công ty, cho đến khi về hưu. Làm phó là một điều may cho những ai an phận, chỉ cầu an và cầu lợi. Nhưng làm phó là một mối bức bối cho kẻ nào muốn bứt phá, muốn thể hiện mình. Ông Sáu, lúc đầu ông thuộc loại người thứ hai, tức là ông cũng muốn giành lấy toàn quyền, muốn thể hiện bản lĩnh và tài năng của mình. Ông hy vọng vài năm thôi, ông sẽ lên trưởng, sẽ được thực hiện ý đồ của mình. Nên ông cúc cung phục tùng giám đốc, không hề đơn sai, dù một ly, một tí. Không chỉ để lấy lòng các cấp trên mà ông còn tránh không để sai phạm, ngay cả khi biết đó là sai phạm, ông cũng "nhẹ nhàng" dành cho cấp trưởng. Quả nhiên ông giám đốc thứ nhất "của ông" dính tội, phải ra đi!

-Mẹ kiếp, ông văng tục (ngầm trong bụng thôi) một cách hào hứng, cái thằng nhà thơ chết tiệt nào nói thế mà hay. Cấp phó là cấp ăn chơi; Chờ cho cấp trưởng chết rồi mình lên!

Nhưng, cấp trên vẫn không đưa ông lên trưởng, mà điều một ông giám đốc khác. Ông hậm hực tí chút, nhưng rồi hiểu ngay ra thân phận của mình. Một lần, cô nhân viên hành chính xin ý kiến ông rằng, nên mua loại trà nào, trà Bắc hay trà Bảo Lộc để tiếp khách, ông Sáu ngồi thừ ra suy nghĩ một hồi lâu, rồi nói với cô nhân viên:

-Cô cứ ra làm việc đi, cái này để tôi xin ý kiến anh Hùng (giám đốc) đã nhé. Có gì tôi sẽ báo sau...

Thế rồi, một ngày xấu trời nào đó, có kẻ xấu miệng nào đó gọi ông là "Cái đuôi" của giám đốc! Thì đã sao? Cấp phó là cấp...

Ông giám đốc thứ hai được điều lên làm chức cao hơn, nhưng ông Sáu vẫn được ngồi nguyên vị trí, làm phó cho một tay giám đốc trẻ hơn. Ông có cay thật, nhưng nghĩ lại, ông vui vẻ làm cái đuôi, để ăn chơi, để chờ thời... Ba đời giám đốc, mà vẫn ông phó ấy, thì kể cũng oái oăm thật! Hình như cấp trên cũng nhận thấy thế, nên an ủi ông bằng những chuyến công cán ra nước ngoài, những chế độ về nhà đất thật ưu đãi. Thôi thế cũng thỏa, hãy cứ tạm chấp nhận, đường đời còn trước mắt, lo gì... Nhưng, đến nước này, bọn xấu mồm không còn coi ông như cái đuôi của giám đốc nữa, mà chúng đểu hơn, gọi hẳn ông bằng cái tên: con chó cảnh của giám đốc! Sao lại thế? Chúng nó ì xèo bảo với nhau rằng: lão phó chẳng làm gì cả, chỉ suốt ngày ve vẩy, ra vào. Lão chẳng quyết định được gì, ngay cả gói trà cũng phải "xin ý kiến"! Thế thì chẳng là chó cảnh hay sao?

Kệ! Ông chờ thời hay ông thức thời, thì ngay cả chính ông cũng không cần biết. Quen rồi!

Ông Sáu đặt A Còng xuống, nó sung sướng nhảy mấy vòng bằng hai chân sau, hai chân trước chắp lại, nó muốn lạy tạ ông chủ, và cả Thượng Thư lẫn Thợ Hồ. Trời sang dần...

***

Trên con đường mà ngôi biệt thự của ông Sáu tọa lạc có ít nhà, mỗi bên chẵn lẻ có hơn chục số nhà, nên ông có ít hàng xóm, không, hàng phố mới đúng. Tuy ít láng giềng, nhưng toàn là những láng giềng oanh liệt. Những ngôi nhà thâm trầm có tường cao và cây xanh che phủ, những mái ngói thâm rêu, những cánh cửa nặng nề và những con người kín đáo, chẳng bao giờ thấy họ trò chuyện với nhau, cũng chẳng khi nào họ để ý đến nhau. Tuy nhiên, họ biết nhau cả đấy, bằng các nguồn thông tin từ trên cao, từ những sa lông bóng loáng truyền tai nhau bằng những nụ cười to nhỏ, khó hiểu.

Ông Sáu mở cổng, tiếng xích sắt loảng xoảng, hai cánh cổng khô dầu rít lên khi mở ra, rồi đóng lại, một lần nữa tiếng xích sắt lại loảng xoảng vang lên. Có ồn thật, nhưng không làm ai khó chịu. Tuy thế, khi ông cầm đầu một "phái bộ" gồm những sáu con chó, đủ kích cỡ, màu lông rùng rùng một lượt đi ra, thì không chỉ những kẻ đi đường, mà ngay cả hàng phố cũng phải nể mặt.

Sáu con chó quý, trừ A Còng, còn lại tất cả đều bị những sợi dây xích xiết lại. Riêng Thượng Thư và Thợ Hồ còn bị đeo rọ vào mõm, đó là hai con vật có khả năng gây hại cho người đi đường mỗi khi chúng có dịp ra ngoài. Ông chủ và những con chó đi dạo trên một đoạn đường khá dài rồi đồng loạt dừng lại bên một gốc cây dầu cổ thụ, khá kín đáo. Đầu tiên là A Còng, nó được tự do, dừng lại, lấy mũi ngửi ngửi chỗ đất dưới chân, rồi hơi lùi lại, đứng dạng hai chân sau, như một thế võ "xuống tấn", cong đuôi và... ỉa! Thế là, Thượng Thư và những con còn lại cũng đồng loạt làm cái công việc quen thuộc và cần thiết của chúng. Ông chủ quan sát một lượt bọn chúng, thấy yên tâm, rồi ngửa cổ một cách lịch sự, nhìn lên ngọn cây, chăm chú khám phá những điều mới lạ của một buổi sáng thú vị. Bỗng dưng, ông giật mình vì bị một sợi dây xích kéo căng. Lại Thợ Hồ? Tuy bị khóa mõm, nhưng nó vẫn tranh thủ "đấm" một quả vào cạnh sườn Thượng Thư . Không biết có đau không nhưng kẻ đạo mạo này cũng không thể để yên, nó tấn công trả miếng, nhưng Thợ Hồ đã chủ động thủ sẵn tránh đòn. Sợi đây xích của Thượng Thư văng khỏi tay ông chủ. Ông Sáu lầu bầu vài tiếng khó hiểu và vội vàng rượt theo, khi nắm được sợi xích thì ông thở dốc.

Con vật tuy có hung hãn, nhưng oai vệ và trung thành này đôi khi khiến ông nổi cáu, nhưng bao giờ cũng gây cho ông mối cảm động chân tình. Nó là một con vật trung thành, nhưng không hề biết chung thủy là gì. Đó là điều chỉ từ khi có Thượng Thư ông Sáu mới biết như thế về chó và loài chó.

Về hưu, không biết có phải bị lời nguyền ám ảnh hay không, nhưng ông không có bạn. Đành rằng, trong hơn hai mươi năm cuối công tác, ông làm tốt chức trách cấp phó, phục tùng tuyệt đối tám ông cấp trưởng của mình. Phục tùng ngoan ngoãn để an toàn, hay để mưu lợi thì cũng thế, nhưng rèn cho ông một đức tính nhẫn nhục phi thường. Ông không dễ bị chọc giận và cũng dễ bị lôi kéo. Lặng lẽ, long trọng và phớt lờ... là thế nhưng đã một lần ông bị một tên tiểu nhân khiêu khích. Hắn dám phồng mang trợn mắt lên mà mắng ông:

-Ông dám nhận ông là người tốt ư? Nói cho ông biết, bao nhiêu bằng khen, giấy khen của ông chẳng qua chỉ là những cái áo phường tuồng, lòe lọet, che mắt thế gian, do những kẻ thông manh ngồi tít tận đâu đâu mà ký, mà ban. Người tốt phải là người có ích cho mọi người, dù họ chẳng có mảnh giấy khen nào! Ông tốt với ai hay chỉ với chính ông? Ông may ra được coi là người không xấu là cùng...

Mà ông có làm gì hắn đâu nhỉ? Hắn đến nhờ ông ký xác nhận là công ty không từng cấp nhà cho hắn, ông bảo đợi giám đốc về ký. "Đợi đến mai là ngày khắc, ngày xấu". Xấu tốt gì, vẽ chuyện, giám đốc ký mới đúng nguyên tắc! Có thế thôi mà hắn dám bảo là "ăn ở như ông thế thì chỉ có chơi được với chó thôi"!

Về hưu, hai đứa con lấy chồng ở riêng. Rồi vợ ông cũng theo chúng. Bà ấy bảo: Thôi, ông ở một mình cho sướng thân. Sống với ông tôi chịu hết nổi rồi! Ơ này, thế cái ngôi biệt thự này? Ông muốn ở thì ở, muốn bán thì bán! Nếu ông buồn thì hãy đem lũ chó về mà nuôi! Người văn minh hay chơi với súc vật, ông chả mong thế là gì...

Cái bà này! Tôi có làm gì đâu mà bà chán tôi! Ừ thì tôi có khó tính, có bủn xỉn, nhưng cũng để gom góp, chỉn chu cho tôi, cho bà. Thôi được, các người muốn đi đâu thì đi, liệu chừng còn có ngày quay về, tìm đến ta. Tròn một năm, chẳng ai đến thăm, không người đến hỏi, vợ con cũng mất hút. Đếch cần. Ông nuôi mấy con chó cho vui thì đã sao...

Đầu tiên là Thái Giám, ông đặt tên cho con chó thiến. Tội nghiệp, cái hôm thiến nó, tên thợ hoạn cột treo cổ nó lên cây xoài, bắt chéo hai chân trước rồi buộc nốt hai chân sau. Tên thợ hoạn đến là khéo, nó chích mũi dao vào, nặn hai hòn giống vứt tọet vào chậu tro, chả khâu khiếc gì, con chó được thả ra, lủi vào bụi chuối, bê bết máu. "Chó liền da, gà liền xương, chả phải lo, ông ạ!". Chiều nó bò ra, nhìn ông ai oán, nhưng vì là giống chó, nên chỉ cần cho bát cơm, nó cụp ngay mắt xuống. Từ đó về sau, nghe tiếng sủa của Thái Giám thật thê lương, nó kéo dài như tiếng tru gió của loài chó rừng, đầy vẻ bức xúc, ai oán.

Mic-17 và Hoa Đỏ là một cặp tình nhân, ông xin được trên Hóc Môn. Hóa ra chó cũng có thể là tình nhân của nhau được. Suốt ngày đêm chúng quấn lấy nhau. Thế nhưng mà, ông chẳng thấy chúng nó... ấy nhau bao giờ! Giống chó, có kín đáo mấy thì cũng phải lộ ra chứ, nó dai dẳng lắm, lâu lắc lắm, không nhanh chớp nhoáng "dễ dàng nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi" như giống người! Thợ Hồ là một con chó đói, từ đâu mò đến, thương tình ông cho ăn rồi ở lại. Cái giống lang thang có khác, nó sợ ông nhưng hình như nó không thân với ông bằng Mic-17, Hoa Đỏ hay A Còng. A Còng thì phải mua, hơn hai triệu bạc, giống chó Mítsubitxi. Nó là con chó cái, nhưng lại có vẻ mặt của một đạo sĩ. Đôi mắt che khuất sau mớ lông bờm, thế mà tinh anh đáo để. Mỗi lần nó mừng ông, A Còng lại lắc cái đầu hơi vuông để hé ra cặp mắt tròn, trong xanh như hai viên thủy tinh. Lúc đầu ông đặt cho nó là Tiểu Thư, nhưng thấy cũ quá, sáo quá, A Còng là cái tên thời thượng!

Cuộc diễu hành buổi sang thế là xong! Một đoàn quân lũ lượt ra về trước sự thán phục của hàng phố. Nghiêm túc, trật tự và uốn éo tuần tự chui vào cổng! Từ bây giờ trở đi, mọi sự sinh hoạt phong phú, đa dạng và có nhiều bí hiểm đều diễn ra trong cánh cổng ngôi biệt thự số 6.

***

Người ta thấy, ngoài ông Sáu Tính và bầy chó, chỉ có một người ngày nào cũng một lần ra vào cánh cổng biệt thự số 6 này. Đó là một thằng nhỏ, độ chừng mười lăm tuổi, chạy chiếc xe honda cũ xì. Tứ thời cái áo thun nó mặc trên người rõ ràng là màu vàng nhưng lúc nào cũng ngả màu đục thẫm, mặc dù có in một hàng chữ bằng tiếng Anh, sang trọng, hình như là một lời nguyện cầu may mắn.

Mỗi lần nó đến, bánh trước chiếc xe lao xầm vào cánh cổng đánh động. Tức thì bầy chó đồng loạt sủa, nhanh nhảu và mau mắn nhất vẫn là cặp Mic-17 và Hoa Đỏ, rồi A Còng. Riêng Thượng Thư thì chỉ nghếch mõm lên cảnh giác và không chấp. Nó đã biết trước.

-Ông Sáu ơi!

Ông chủ lật đật chạy ra, mái đầu bạc lưa thưa, hơi cúi xuống mở cổng, dúi vào tay thằng nhỏ mấy tờ giấy bạc, rồi nhận lấy cái giỏ xách, khá nặng. Đó là một giỏ tạp pí lù chất đầy những xương heo, bạc nhạc bò, đầu gà... khẩu phần của chó, mà thằng nhỏ áo vàng đã gom được từ các sạp ngoài chợ. Không một lời chào hỏi, không hề có cám ơn, xin lỗi, một cuộc mua bán thầm lặng, chính xác và buồn tẻ. Chỉ có bọn "cẩu quan" trong ngôi biệt thự già nua là đánh hơi thấy, chả thế mà bọn chúng cùng rít lên, mừng rỡ tột cùng.

Ông chủ đích thân - mà thực ra có ai cho ông sai bảo hay nhờ vả đâu-chế biến các món ăn rồi chia thành từng phần, tùy theo vóc dáng và công trạng của bọn chó. A Còng bao giờ cũng có phần ngon hơn, mềm hơn, bổ hơn và tất nhiên, sạch hơn! Sau đó là cặp nhân ngãi Mic-17 - Hoa Đỏ. Thượng Thư nhận phần ngay sau đó, nhưng hắn còn đắn đo, ý chừng để bọn đàn em xơi trước, âu cũng là phẩm chất của nhân vật quan trọng! Trong khi Thái Giám lờ đờ nhìn phần ăn của mình, thì Thợ Hồ lấm lét chờ đợi. Nó thè lè cái luỡi đỏ, đốm đen ra đến nử gang, đầy thèm thuồng và cầu thân. Khi cái bắt sắt thủng chất nghễu nghện những cục xương đầu gối đẩy về phía nó, Thợ Hồ dùng mõm đẩy xa têm chút nữa, xa hẳn so với đồng loại.

Bấy giờ Thượng Thư mới thong thả ngoạm một một miếng thịt bò bạc nhạc, đó là món ăn quen thuộc và cũng là thứ khoái khẩu nhất của nó thường ngày. Trong khi bọn chó đang cắm cúi ăn, thì cũng là lúc ông chủ bắt đầu một bài giáo huấn, cũng là thông lệ, về luân lý, về cách ứng xử ở đời, cách nhường nhịn nhau và tình bằng hữu, tất nhiên là của loài chó.

-Thượng Tư này, tao thấy mày dạo này lười nhác lắm rồi đấy. Không chịu tập thể dục, lại còn hay đấm mõm A Còng!

Hôm nay, ông sẽ nói về Thượng Thư, ông chủ bụng rồi. Mỗi ngày một đứa, cứ vào bữa ăn là ông lên lớp, có khi chân thành, mơn trớn, cũng có khi xỉ vả, hắt hủi, tùy theo tâm trạng của ông, và cũng tùy theo từng đối tượng mà ông nhắm vào. Thượng Thư là một con chó lai Berger, tuy lai, nhưng nó vẫn giữ được đầy đủ hình dáng và phẩm chất của một con chó nòi, to lớn, vạm vỡ và hung hãn.

Ngày đó, khi đã có Mic-17 và Hoa Đỏ, nuôi Thợ Hồ, thiến Thái Giám, mua A Còng, ông vẫn muốn có một con chó thật to, thật oai, và thật trung thành để phong cho nó vai trò chỉ huy bầy chó của mình! Ông hỏi thăm, nhưng vì ông sống không có bạn nên chẳng biết hỏi ai, mà có hỏi đã chắc gì họ chỉ vẽ thật lòng. Ông chỉ còn một nơi để đến, đó là khu chợ bán chó, mèo, chim chóc... Ông cứ tha thẩn nhiều ngày mà không gặp, đã muốn nản lòng, bỗng ông thấy một gã đàn ông có cái miệng vêu vao ngồi xếp bằng trên hè đường, bên cạnh y là một con chó to, lông màu xám, phía dưới ức để lộ một mảng lông trắng, và một vệt đen. Ông nghĩ ngay đến một bộ complet xám, sơ mi cravatte sang trọng. Ông đến gần và ngắm con chó. Nó lơ đãng nhìn ông rồi lại nhìn người đi đường, hờ hững. Chủ của nó, gã mặt vêu nhìn ông, sau một hồi, đoán rằng ông thích con chó, y lên tiếng:

-Ông già! Mua con chó này đi...

Ông sực tỉnh:

-Ừ, mua thì mua!

Kẻ bán chó hết lời ca ngợi trí thông minh, lòng trung thành và sức mạnh của con chó lai. Đến nỗi, ông mê ngay, chỉ có điều, giá y hét rất cao: mười triệu! Một con chó ba tháng là ba triệu, chín tháng là năm triệu, đấy là loại con nít, phải tốn nhiều công sức và thời gian, tiền bạc để cho nó học tập. Con này đã hai tuổi, mười triệu là còn rẻ, bố già ạ. Phải bán nó, con đứt từng khúc ruột! Nhưng vì không có tiền cho thằng con ăn học, con phải xa nó... Vừa nói, y vừa lấy ống tay áo cáu bẩn gạt ngang hai giòng lệ!

-Thôi được! Nhưng tôi chỉ trả anh tám triệu thôi đấy!

-Không được, thiệt con quá! Con xin bớt bố hai trăm!

Cuối cùng, ngã giá là chín triệu rưỡi! Khi chuẩn bị trao tiền, ông mới giật mình:

-Nhưng... nhưng làm thế nào mà tôi dắt được nón về?

-Bố yên tâm, kẻ bán chó nhanh nhảu, bố cứ trao tiền đủ cho con, con sẽ bảo nó. Quả nhiên, sau khi nhét những đồng tiền cuối cùng vào túi quần, kẻ bán chó, ông chủ của nó, tháo sợi dây xích, đặt vào tay ông và nói với con Berger lai:

-Từ bây giờ, ông này là chủ của mày! Mày phải phục tùng ông chủ mới, nghe chưa!

Khi ông nắm sợi xích thì lập tức, con chó nhổm đứng dậy, bước những bước nhanh nhẹn theo ông, mà không hề ngoái lại tỏ bày một chút quyến luyến về phía người chủ cũ của nó! Ông vừa mừng vừa kinh ngạc đến phát hoảng, nhưng ông chưa nghĩ ra được từ ngữ nào để đánh giá về nó, như sau này. Căn cứ vào phẩm chất, vai trò cũng như hình dáng của nó (bộ complet xám, sơ mi trắng, cravatte đen), ông đặt tên cho nó là Thượng Thư. Một cái tên sang trọng, lẫm liệt mà không sợ đụng chạm...

-Này, Thượng Thư, mày có nhiều phẩm chất của loài chó, tao biết, và tao đánh giá cao về mày. Tao tự hào về mày lắm chứ! Mày là một con chó trung thành, nhưng... tao biết, mày không hề chung thủy!

Thượng Thư ngưng nhai, nó có vẻ hiểu lời ông chủ, đôi mắt nó hướng lên, vằn những tia vàng, khó hiểu.

-Ăn đi, đồ chó! Mày tưởng tao ngốc đấy hả! Ừ thì tao ngốc, nhưng tao ngốc với những ai kia, chứ với mày, tao biết rõ. Khôn oan đâu, con! Đấy, cái hôm tao bỏ ra chín triệu rưỡi để mua mày, tao tưởng khi phải xa ông chủ cũ của mày, mày sẽ buồn? Nhưng không, mày nhanh nhẹn theo tao, mà không hề lưu luyến người đã từng là chủ của mày?

Thượng Thư lại cúi xuống ăn, nó không chấp ông. Cũng có thể nó thầm nghĩ thế này: loài người các ông rắc rối quá, rắc rối đến nỗi ngốc nghếch, ai là chủ mà chẳng được, miễn ông ta đối xử tốt. thế thôi!

-Mày trung thành lắm, chẳng thế mà ngay sau đó, có một người đến gần vỗ vai tao định hỏi "mua con chó bao nhiêu tiền?", nhưng ông ta chưa kịp lên tiếng, mày đã nhảy xổ vào ông ta, ngoạm lấy cổ tay ông ta, để bảo vệ tao, vì mày tưởng ông ta là kẻ ám sát tao! Đáng khen, đáng khen lắm! Nhưng mày không hề chung thủy! Đò chó thật....

***

Sau bữa ăn đầy những giáo huấn ấy, Thượng Thư có vẻ buồn. Nó nằm im, suốt ngày không sủa một tiếng. Và đêm ấy, một biến cố đã xảy ra. Như mọi đêm về sáng, ông Sáu, chủ ngôi biệt thự già nua nuôi một bầy chó làm bạn, trở mình thức giấc. Tuổi già, dù không bình thường thì cũng vẫn ít ngủ. Ông đợi mãi không thấy tiếng cào cửa của A Còng. Ông vẫn đợi, vì nghĩ, chắc nó có chuyện gì đó. Một lúc sau, cũng không thấy tiếng sủa của Thượng Thư. Sao nhỉ? Ông trở dậy, mở cuẳ phòng, nhìn ra thềm, ra sân, tuyệt nhiên không thấy bóng một con chó nào! Chúng nắm chết đâu cả rồi? Ông bật đèn và lùng sục mọi nơi, mọi ngóc nghách, cũng không thấy! Đên khi ông ra cổng, thì... hai cánh cổng mở toang! Ông hoảng hốt vào nhà, mọi cánh của phòng vẫn khóa chốt chắc chắn. Không có kẻ trộm, mà dù có thì cũng không mất bất kỳ thứ gì, trừ bầy chó! Ông vội vàng chạy ra nơi gốc cây mọi ngày, nơi ông vẫn đưa chúng đi làm vệ sinh. Tất cả đều vắng lặng, ngoài những đống chất thải của chúng từ ngày hôm qua!

Ông có hỏi thăm mấy người hàng xóm, họ lắc đầu! Thế là Thượng Thư, A Còng, Mic-17, Hoa Đỏ, Thái Giám và cả Thợ Hồ cũng đã bỏ ông mà đi! Ông về nhà, nằm vật trên giường, nghĩ ngợi rồi phát ốm!

Các con ông, vợ ông, và những cộng sự một thời của ông đã đến kịp để đưa ông về cõi thiên thu. Tôi có đi dự đám tang ấy. Trong lúc quan tài được đưa ra xe, tôi có nhìn xung quanh xem có thấy bóng dáng một trong những con chó đã ở bên ông suốt một thời gian cuối đời của ông không? Nhưng tôi đã thất vọng. Không một con chó nào bén mảng!

2003